Quả thực, sau mỗi cơn sốt đất đi qua, hệ luỵ để lại với thị trường, nhà đầu tư là không hề nhỏ. Trong đó, nhiều người ôm khối tài sản hàng tỉ đồng muốn bán không ai mua. Thế nhưng, có một điều dễ nhận thấy là kịch bản sốt đất vẫn lặp lại giống như một quy luật tất yếu. Vì sao lại thế?
Lý giải về điều này, tại buổi tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, không thể phủ nhận, BĐS vẫn là kênh được ưu tiên hàng đầu so với các kênh đầu tư khác, bởi nó đảm bảo tính an toàn, lâu bền và lợi nhuận tốt.
“Lợi nhuận sinh ra từ đầu tư BĐS tốt hơn các kênh đầu tư khác. Chẳng hạn, NĐT mua mảnh đất để đó 3-5 năm là đã thấy có lời gấp 2-3 lần rồi, nghĩa là tính hấp dẫn của thị trường BĐS là rất lớn”, ông Hoàng khẳng định.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng cao. 1 năm qua, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh thị trường BĐS vẫn phát triển, giá vẫn tăng. Trong đó, nhiều NĐT kiếm được lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác, cuối cùng cũng hiện thực hóa lợi nhuận bằng tài sản BĐS (nhà/đất), chưa kể dòng tiền từ các ngành kinh doanh, sản xuất khác cũng biến lợi nhuận thành tài sản. Nói vậy để thấy, BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, hút dòng tiền từ nhiều kênh khác.
Ngoài ra, theo ông Hoàng, nhu cầu của thị trường BĐS phụ thuộc vào cung – cầu, có cung sẽ có cầu, kinh tế càng phát triển thì nhu cầu đi đầu tư nhà đất càng tăng lên.
Cùng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho hay, nhu cầu với BĐS trên thị trường BĐS rất đa dạng, có thể không là cơ hội của người này nhưng là cơ hội của người khác. Trong đó, lợi nhuận của kênh đầu tư BĐS luôn hấp lực các NĐT hơn hẳn.
Vì sao lợi nhuận BĐS tốt?, theo ông Phúc, quan điểm của người Việt trước đến nay là người sinh ra chứ đất không nở ra, theo đó tính duy nhất của tài sản là BĐS cũng thể hiện sự hữu hạn. Nhu cầu lớn, trong khi sản phẩm ít thì chắc chắn giá tăng, lợi nhuận sẽ tăng.
Bên cạnh đó, đây cũng là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận ổn định, lâu dài cho các NĐT. Hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn, đô thị hóa tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh, m2 nhà ở trên dân số còn thấp so với khu vực. Cho nên, dư địa phát triển của thị trường BĐS còn rất lớn. Chính điều này cũng đã tác động đến khả năng sở hữu BĐS của người dân tiếp tục tăng trưởng.
Ngoài ra, theo ông Phúc, BĐS luôn có rủi ro nhưng rủi ro không lớn. Chẳng hạn, rủi ro chủ yếu rơi vào việc mua phải BĐS pháp lý không tốt, CĐT không uy tín còn ngược lại thì BĐS vẫn là kênh hấp dẫn, giá tăng. Theo vị CEO này, có những thời điểm thị trường gặp khó khăn nhưng giá BĐS chỉ đứng lại hoặc tăng chậm rồi tiếp tục tăng lên, ít nhất mức độ tăng bằng tốc độ lạm phát.
“Trung bình mức tăng của BĐS là khoảng 10%/năm; các khu đất tiềm năng lớn, giá trị tốt, có thể tăng 30-50%/năm, BĐS vẫn là phân khúc kì vọng dài hạn tốt trong tương lai. Vì thế, ở một thời điểm nào đó, người này rời bỏ thị trường thì có người khác sẽ vào”, ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, với NĐT cá nhân có khoảng 2-3 tỉ đồng, nhu cầu vào thị trường còn rất lớn. Mỗi NĐT với túi tiền khác nhau, họ có cách tiếp cận sản phẩm khác nhau sao cho phù hợp, vì thế BĐS vẫn là mảnh đất đa dạng để NĐT tham gia, nhu cầu là luôn hiện hữu.
Còn theo LS Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư Tp.HCM, phần lớn các doanh nghiệp lớn mạnh lên từ thị trường BĐS. Dù trải qua nhiều sóng gió của thị trường nhưng các NĐT vẫn luôn nghĩ về việc đầu tư BĐS. Có thể do điều kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh nhưng nếu có cơ hội là NĐT lại lao vào thị trường BĐS. Thực tế, theo vị Luật sư này, nhiều vụ án liên quan đến BĐS cho thấy, sự hấp dẫn của BĐS đã khiến nhiều NĐT lao vào mà bỏ qua những ràng buộc liên quan đến pháp luật. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn rất lớn của kênh đầu tư này với các NĐT.
Ghi nhận cho thấy, sau mỗi cơn sốt đất không ít NĐT “mắc cạn” vì chưa kịp ra hàng hoặc không thể ra được hàng. Nhiều người tán gia bại sản cũng đến từ việc lao vào các cơn sốt đất chóng vánh. Sau đó, nhiều cảnh báo được đưa ra, thế nhưng có một điều dễ thấy là cơn sốt vẫn lặp lại và vẫn có rất nhiều NĐT tiếp tục tham gia thị trường. Như vậy để thấy, BĐS thực sự là kênh đầu tư hấp dẫn khó cưỡng với NĐT, và như các chuyên gia nói, sự rời đi của người này nhưng là cơ hội của người khác; nhu cầu tiếp cận sản phẩm còn rất đa dạng, rộng lớn.