Trong khi nhiều người trẻ sợ mang gánh nặng tài chính, chấp nhận tích lũy và chờ đợi cơ hội mua nhà thì vẫn có những người sẵn sàng coi khoản nợ là động lực phấn đấu để sớm có được ngôi nhà đầu tiên.
Dưới đây là câu chuyện mua nhà do bạn Trường (Hà Nội) chia sẻ:
Đọc bài viết “Liều lĩnh mua nhà, oằn lưng gánh nợ” tôi không phản đối ý kiến đưa ra trong bài, bởi thực tế đã có nhiều trường hợp phải chật vật, thậm chí bán nhà trả nợ vì tính sai bài toán thu nhập và không lường trước được rủi ro. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân của tôi là nếu không có chút liều lĩnh, cơ hội sở hữu nhà của người trẻ sẽ ngày càng khó khăn hơn. Nhất là khi các thành phố ngày càng đông dân và giá nhà ngày càng cao như hiện nay.
Tôi là dân tỉnh lẻ, thuộc thế hệ cuối 8X, lấy vợ đầu năm 2013, khi vừa mới ra trường chưa được 1 năm. Tuy làm trong một tập đoàn công nghệ thông tin lớn, nhưng mức lương của tôi khi đó chỉ 8 triệu, vợ kém tôi 1 tuổi, là nhân viên văn phòng, lương 4 triệu. Chúng tôi đều có xuất phát điểm thấp, không có hỗ trợ từ gia đình nên động viên nhau phấn đấu và chi tiêu hợp lý.
Vợ chồng tôi đều làm việc ở khu Cầu Giấy, thuê nhà trọ ở Cầu Diễn. Khi chưa có con, chúng tôi chỉ thuê căn phòng vừa đủ ở, giá hơn 1 triệu, sau này có con thì chuyển đến căn rộng rãi sạch sẽ hơn, giá 2,5 triệu/tháng. Dù lương không cao, mỗi tháng chúng tôi vẫn cố gắng để ra 3-5 triệu đồng. Năm đầu tiên, hai vợ chồng tích lũy được 50 triệu gồm cả thưởng Tết, cộng thêm tiền mừng cưới chúng tôi có 100 triệu tích lũy đầu tiên. Với những người ở quê chân ướt chân ráo ra thành phố lập nghiệp, số tiền này với chúng tôi rất quý giá, và cũng là động lực để chúng tôi có thêm những khoản tiền lớn hơn.
Năm 2014 vợ tôi sinh con, thu nhập của chúng tôi tăng lên 15 triệu/tháng nhưng vì có con nhỏ và vợ nghỉ sinh nửa năm nên tiền tích lũy không tăng lên nhiều. Năm 2015 tôi quyết định chuyển sang một công ty nước ngoài để đạt được mức lương 17 triệu/tháng, lương vợ cũng lên 7 triệu.
Tôi rất muốn kiếm thêm thu nhập nhưng lại không giỏi kinh doanh như nhiều bạn cùng thế hệ (bạn tôi buôn đất, mua đi bán lại, hoặc có đứa kinh doanh hàng xách tay thu nhập rất tốt). Tôi cũng không tìm được dự án bên ngoài nên chỉ tập trung vào chuyên môn, chăm chỉ làm việc để được tăng lương, thưởng. Năm 2016, vợ tôi sinh con thứ hai, lương của tôi lên 21 triệu/tháng, lương của vợ 8 triệu/tháng. Hai con nhỏ có bà nội ngoại thay nhau hỗ trợ nên chúng tôi vẫn tăng được tiền tích lũy lên, cộng thêm thưởng tết cũng để ra được 150 triệu/năm.
Cộng tổng tiền tiết kiệm, lãi gửi ngân hàng và thưởng Tết, đến năm 2017 chúng tôi có tiền tích lũy hơn 400 triệu đồng. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện mua nhà. Bố mẹ tôi ở quê thì rất lo lắng, vì nghe nói có nhiều trường hợp mua căn hộ rồi không được bàn giao, thậm chí có nguy cơ mất trắng. Do đó tôi tìm hiểu thông tin rất kỹ về dự án định mua, như dự án có giấy phép chưa, có quy hoạch chưa, khả năng tài chính của chủ đầu tư thế nào… Sau một thời gian tìm hiểu, đến tận nơi khảo sát, tôi cũng chốt được một dự án ở Nam Từ Liêm, tiện đường đi làm.
Căn hộ tôi chọn tầm 70m2, giá 1,5 tỷ. Trong thời gian đóng theo tiến độ chúng tôi tích lũy thêm được một khoản, và phải vay ngân hàng tròn 1 tỷ đồng. Đây là 1 khoản vay khá lớn, tính ra tháng cao nhất tôi phải trả cả gốc và lãi lên đến 15 triệu, nên tôi quyết định sẽ tìm cách tăng thu nhập, đồng thời mua một gói bảo hiểm phòng rủi ro bệnh tật.
Ngay sau khi mua nhà, tôi xung phong đi công tác nước ngoài để được tăng lương lên mức 25 triệu đồng. Mẹ tôi cũng đồng ý ra Hà Nội hỗ trợ vợ tôi chăm con để không phải thuê giúp việc.
Đầu năm 2019, sau đợt công tác, với vốn tiếng anh tốt, cầu tiến, tôi được làm trưởng nhóm dự án, lương tăng lên 30 triệu đồng/tháng, ngoài ra tôi bắt đầu tìm được dự án bên ngoài, trung bình kiếm thêm 5-10 triệu/tháng. Thời gian này chúng tôi cũng được nhận nhà, bớt được khoản thuê trọ, tiền trả ngân hàng cũng giảm hơn.
Sau gần 3 năm tích cực tăng thu nhập, khoản nợ ngân hàng chúng tôi đã trả được gần một nửa, còn hơn 500 triệu tôi phấn đấu tất toán trong 3 năm nữa, khi tôi 33 tuổi – độ tuổi còn khá trẻ để tận hưởng và thực hiện những dự định lớn lao hơn.
Tất nhiên những gì chúng tôi phải trải qua không đơn giản như vài dòng tôi kể, cũng có những khi hết tiền vào lúc chưa có lương, vợ tôi thường phải quẹt thẻ tín dụng hoặc vay nóng bạn bè. Có lúc tôi như không thở được vì áp lực và căng thẳng: con nhỏ ốm đau, chưa hết tháng đã hết tiền… Nhưng giờ mọi thứ đã qua, mỗi tháng khoản nợ chỉ còn 12 triệu. Giờ chúng tôi đầu tư cho con cái học hành, xây dựng quỹ dự phòng, quỹ đầu tư… để hướng đến tự do tài chính.
Nhìn lại tôi thấy sự liều lĩnh của mình đã đúng. Khoản nợ trở thành động lực tốt cho tôi. Hơn nữa, so với bây giờ, căn hộ tương đương như tôi mua ở những dự án đang triển khai (nằm trong khu đô thị quy hoạch bài bản) chắc chắn không có giá 1,5 tỷ nữa.
Tôi nghĩ rằng, tuổi trẻ là giai đoạn tuyệt vời nhất để phấn đấu, đây cũng là lúc chúng ta có sức khỏe, tinh thần tốt nhất. Với thu nhập không cao, nếu không vay nợ bạn sẽ không có động lực phấn đấu. Hãy liều lĩnh một chút, vì tuổi trẻ cho chúng ta thứ quý giá nhất: thời gian! Thời gian để làm lại, để bước tiếp dù bạn có phải oằn lưng vì nợ!
Ngọc Sương (ghi)
Link bài gốc: http://thanhnienviet.vn/2019/11/20/tre-khong-dam-oan-lung-gia-lay-dau-nha-o