Sau một thời gian chững lại, thị trường bất động sản khu Đông của TP.HCM gần đây lại vào tầm ngắm của giới đầu tư sau khi tuyến Metro số 1 được bơm vốn tái khởi động.
Thị trường thứ cấp ngấm ngầm tăng giá
Hơn một tháng kể từ sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản TP.HCM hầu như vẫn “nghỉ ngơi”, không có dự án mới được tung ra thị trường, giao dịch chủ yếu diễn ra trên thị trường thứ cấp. Do nguồn cung mới không có, trong khi nhu cầu nhà ở tăng cao, nên đã đẩy giá nhiều dự án tăng mạnh trên thị trường thứ cấp, trong đó khu Đông đang được người mua nhà quan tâm nhiều nhất do lợi thế trong việc kết nối hạ tầng.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại nhiều dự án căn hộ, đặc biệt là tại các dự án đã hoàn thiện hoặc sắp hoàn thành, giá tăng khá cao. Ở phân khúc thị trường căn hộ cao cấp đã đưa vào sử dụng, các dự án có giao dịch nhiều, giá tăng cao phải kể đến Dự án Mastery tọa lạc tại quận 2.
Giá bán giai đoạn đầu ra thị trường của dự án này từ 28 – 35 triệu đồng/m2, hiện nay được giao dịch trên thị trường thứ cấp ở mức trung bình từ 50 – 55 triệu đồng/m2. Còn tại dự án căn hộ Vinhomes Central Park, giá giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng khoảng 10 – 15% so với bán ban đầu. Các dự án như The Sun Avenue, New City… giá cũng đang ở mức trung bình từ 10 – 15% so với năm ngoái.
Với thị trường căn hộ tầm trung, thanh khoản lẫn giá đều diễn ra khá tốt. Dự án Centum Wealth tọa lạc trên đường Song Hành thuộc quận 9 do Công ty Bách Phú Thịnh (Liên doanh giữa Deawon và Thủ Đức House) làm chủ đầu tư là một ví dụ điển hình. Dự án có hơn 500 căn hộ được tung ra thị trường cuối năm ngoái, chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết sản phẩm công bố ra thị trường đều đã được khách hàng đặt mua, trong đó giá giữa các đợt công bố chênh nhau 7%, nhưng không có sản phẩm để bán.
Còn tại các dự án do các chủ đầu tư uy tín, có tiến độ xây dựng tốt, đã và đang bàn giao có giá bán chênh lệch cao hơn. Đơn cử, tại dự án căn hộ Him Lam Phú Đông đã đưa vào sử dụng, gần đường Phạm Văn Đồng, thuộc khu Đông Bắc của TP.HCM, theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông (chủ đầu tư dự án), đến thời điểm hiện nay, mỗi căn hộ tại dự án này có mức giá chênh lệch trung bình khoảng 500 – 700 triệu đồng/căn so với lúc mới bán, nhưng ít có người bán.
Tại dự án căn hộ Moonlight Residences tại quận Thủ Đức do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ bàn giao vào tháng 6 năm 2019 cũng đang được nhiều người có nhu cầu tìm mua với mức giá chênh so với giá gốc từ 30 – 40% nhưng cũng rất hạn chế nguồn cung.
Hay tại Dự án Him Lam Phú An, quận 9 do Công ty Him Lam Land làm chủ đầu tư, giá cũng tăng từ 15 – 25% so với giá gốc, nhưng vẫn luôn thu khách. Tại các dự án như Saigon Gate Way, Sky 9, Thủ Thiêm Garden (quận 9), giá cũng tăng từ 5 – 10%…
Hấp dẫn nhờ hạ tầng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, mặc dù nguồn cung khan hiếm diễn ra trên cả địa bàn TP.HCM, song thực tế, sự tăng giá của thị trường căn hộ chủ yếu rơi vào thị trường khu Đông, trong khi các khu vực khác mức giá vẫn ổn định.
Lý giải nguyên nhân, giới chuyên môn cho rằng, có nhiều lý do để người mua nhà chọn khu Đông, trong đó lý do chính yếu nhất liên quan đến yếu tố thông thoáng về hạ tầng và hướng mở về quy hoạch.
“TP.HCM vẫn đang đối mặt với sự bức bách về ách tắc giao thông, trong đó các hướng Nam, Tây và Tây Bắc đều đối mặt với tình trạng kẹt xe, mức độ bức bách ngày càng tăng cao hơn, trong khi khu Đông có sự thông thoáng hơn cả nhờ có sự phát triển mạnh của hạ tầng, đặc biệt là tuyến Metro số 1 đang được đầu tư mạnh, kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá trong tương lai”, ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Ngọc châu Á nhận định.
Trong một diễn biến khác, theo chủ trương phát triển đô thị của TP.HCM, trong thời gian tới sẽ hình thành các dự án nhà ở bám vào các trục giao thông lớn, trong đó khu Đông là khu vực đang được chú ý nhiều nhất.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, kể từ khi tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên được đầu tư, dù chưa chính thức đi vào hoạt động, nhưng dọc theo cung đường này, đã xuất hiện hàng loạt dự án bất động sản lớn, cung ứng cho thị trường hơn 77.200 căn hộ, chiếm hơn 40% tổng lượng căn hộ của thị trường TP.HCM.
Tương tự, dọc theo trục đường Mai Chí Thọ và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc địa bàn quận 2 và quận 9, sau khi các tuyến đường này đưa vào hoạt động, đã kéo theo làn sóng đầu tư của hàng loạt dự án mới như Khu đô thị Sala của Đại Quang Minh, Dự án The Sun Avenue, Khu đô thị Lake View của Novaland, Gem Center của Đất Xanh, hay các dự án của Khang Điền… Đặc biệt, khu Đông còn sôi động hơn với sự xuất hiện của siêu dự án VinCity Grand Park (quận 9).
Theo phân tích của giới chuyên môn, mặc dù đã phát triển mạnh thời gian qua, song dư địa về quỹ đất để phát triển dự án mới dọc các trục giao thông lớn vẫn còn nhiều. Cùng với chủ trương mới về phát triển thị trường của TP.HCM, dự báo xu hướng phát triền của thị trường bất động sản TP.HCM thời gian tới vẫn tập trung dọc các công trình giao thông, trong đó khu Đông sẽ dẫn đầu cho xu thế này.
Trước đó, tại một hội thảo chia sẻ kinh nghiệp về phát triển đô thị được tổ chức tại TP.HCM, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, phát triển đô thị bám vào chiến lược phát triển hạ tầng là hướng đi hợp lý.
Ông Honino, Giám đốc cao cấp Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) cho biết, tập đoàn này có kinh nghiệm 100 năm phát triển các đô thị về phía Tây Nam Tokyo (Nhật Bản). Từ Tokyo đi về các khu đô thị hướng Tây Nam, hệ thống metro phát triển khá mạnh và dọc các tuyến metro này là các khu đô thị “hạt nhân”. Tập đoàn Tokyu đã thu hút khoảng 5 triệu dân đến sinh sống, làm ăn tại đây.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, thông thường, khi phát triển các tuyến metro nối từ khu trung tâm ra vùng ngoại ô, các nhà hoạch định chiến lược mong muốn cư dân ở vùng ven mỗi buổi sáng đi vào khu trung tâm làm việc rồi vào buổi chiều trở về nhà, hay từ ngoại ô thành phố vào trung tâm mua sắm, vui chơi sau đó lại trở về căn nhà ở ngoại ô.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ Tập đoàn Tokyu cho rằng, cần phát triển các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí cạnh các tuyến metro ở ngoại ô đủ sức thu hút, để cư dân từ khu trung tâm ra ngoại ô mua sắm, vui chơi. Nếu làm được như vậy, các tuyến metro sẽ khai thác được 2 chiều một cách hiệu quả. Thậm chí, các bệnh viện, trường học tại các vùng ven, cạnh tuyến metro phải thu hút cho được cư dân nội ô đến sử dụng các dịch vụ đó thông qua tuyến metro.