Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến được khởi công vào tháng 10-2021 và hoàn thành vào năm 2023. Nhà ga này có công suất 20 triệu hành khách/năm. Cộng với công suất hiện hữu, đến năm 2023 sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng 50 triệu hành khách/năm. Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng lên ở đây, TPHCM đã và đang triển khai xây dựng nhiều công trình giao thông quanh khu vực này.
Tháo nhiều điểm thắt giao thông
Trong chương trình hành động đột phá nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020, tại khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM đã đầu tư xây dựng hàng loạt công trình cầu, đường như cầu vượt đường Trường Sơn, cầu vượt nút giao Nguyễn Kiệm – Nguyễn Oanh – Phạm Văn Đồng – Nguyễn Thái Sơn… từng bước tháo các điểm thắt về giao thông cho khu vực.
Cầu vượt đường Trường Sơn được thiết kế theo hình chữ Y với một nhánh nối vào nhà ga quốc nội dài 153,8m và một nhánh nối vào nhà ga quốc tế dài 303,8m. Cầu có tĩnh không 4,75m, mặt đường dưới cầu rộng 40m được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu kết hợp với các đảo phân làn. Cầu vượt này hoàn thành và đi vào sử dụng đã góp phần quyết định trong tháo điểm nghẽn giao thông lớn trên đường Trường Sơn đi vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Cách đó không xa, cầu vượt nút giao Nguyễn Kiệm – Nguyễn Oanh – Phạm Văn Đồng – Nguyễn Thái Sơn từ ngày hoàn thành và được đưa vào sử dụng đã giải quyết gần như căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông ở nút giao này. Hướng giao thông này là một trong những “đầu ra” cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, do vậy việc tháo được nút thắt đã góp phần quan trọng giải quyết tình trạng quá tải, gây ùn tắc giao thông khi ra vào sân bay.
Bên cạnh đó, một dự án cực kỳ quan trọng giúp giảm hơn 40% áp lực phương tiện ra vào sân bay Tân Sơn Nhất là đường Phạm Văn Đồng. Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Đông Bắc và đi qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, đường Phạm Văn Đồng với chiều dài 12km, rộng 12 làn xe được xem là tuyến đường huyết mạch kết nối toàn bộ khu vực Đông Bắc với trung tâm TPHCM. Kể từ khi được đưa vào hoạt động cuối năm 2013, đường Phạm Văn Đồng đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, cải thiện hạ tầng đô thị, đồng thời kết nối tới các khu vực trung tâm của thành phố như quận 1, 2, Phú Nhuận, sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng và thuận tiện hơn. Tuyến đường này còn được nhiều người lựa chọn khi đi từ các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TPHCM, thay vì phải đi đường vòng qua quốc lộ 1A như trước đây.
Đẩy nhanh các dự án còn lại
Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giao thông kết nối quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được quy hoạch đồng bộ với hệ thống các đường trục ra vào sân bay. Cụ thể, sẽ có trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa qua đường Phan Thúc Duyện, 18E, C2, C12 với quy mô 4-6 làn xe; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung với quy mô 4 làn xe; xây dựng các cầu vượt trên cao đoạn từ Phan Thúc Duyện qua Trần Quốc Hoàn và đoạn từ Thăng Long đến khu vực sân bóng Chảo Lửa kết nối giao thông từ khu vực bên ngoài vào nhà ga hành khách T3.
Song song đó, để giải quyết bài toán ùn ứ giao thông từ xa còn có các dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ); nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa); mở rộng đường Tân Sơn…
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, dự kiến trong năm nay sẽ khởi công mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và dự án cải tạo đường Cộng Hòa, từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long. Đường Hoàng Hoa Thám mở rộng dài 783m, rộng 22m, có tổng mức đầu tư hơn 254 tỷ đồng. Hiện các gói thầu xây lắp, gói thầu tư vấn giám sát đã được ký kết. Thời gian thi công dự kiến 6 tháng. Các nhà thầu đang chờ được giao mặt bằng để có thể khởi công xây dựng công trình. Đường Cộng Hòa được cải tạo dài 133m, rộng 19m. Dự án đã có quyết định đầu tư và duyệt bản vẽ thiết kế thi công.
“Thời gian qua, có nhiều dự án chậm tiến độ mà nguyên nhân chính là vướng đền bù giải phóng mặt bằng, việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa thống nhất… UBND TPHCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này” – ông Lương Minh Phúc cho biết thêm.
Hy vọng với những động thái quyết liệt như vậy, các dự án đầu tư hệ thống giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất còn lại sẽ sớm được khởi công xây dựng.
TPHCM cũng đang triển khai xây dựng nhiều công trình giao thông nhằm tháo gỡ nút thắt giao thông cho khu vực cảng Cát Lái, quận 2. Đó là dự án hầm chui nút giao thông Mỹ Thủy, khởi công từ tháng 6-2016, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm xây dựng cầu Kỳ Hà 3 với 4 làn xe, dài 75m; hầm chui rẽ trái từ đường Vành đai 2 đi vào cảng Cát Lái với 2 làn xe, dài 405m, đoạn hầm kín dài 80m; cầu vượt trên đường Vành đai 2 gồm 4 làn xe, dài 316m, đã hoàn thiện và thông xe vào năm 2017-2018. Giai đoạn 2 gồm cầu Mỹ Thủy 3 nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2 (6 làn xe, dài 124m); các nhánh đường hai bên rạch Mỹ Thủy; cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ, cầu Kỳ Hà 4 từ hướng cầu Phú Mỹ rẽ phải về cảng Cát Lái. Ngoài ra, còn tiến hành đầu tư mở rộng các tuyến đường xung quanh cảng như Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh (đoạn nút giao Vành đai 2 đến đường Nguyễn Thị Tư, đoạn nút giao Vành đai 2 đến đường Nguyễn Thị Định), Lương Định Của, Đồng Văn Cống… |