GIÁ NHÀ, ĐẤT LÀM KHÓ NGƯỜI TRẺ

Với giá nhà đất liên tục tăng nhanh thời gian qua, ngay cả với mức lương vài chục triệu đồng/tháng, người trẻ cũng quá khó để sở hữu một căn hộ giá rẻ chứ chưa nói đến chuyện mua đất xây nhà.

Dự án căn hộ Phú Đông Premier tại khu vực đường Phạm Văn Đồng (Dĩ An, Bình Dương) với giá được xem là khá “mềm” nhưng cũng lên tới 1,5 tỉ đồng/căn 2 phòng ngủ – Ảnh: T.M.

Theo các doanh nghiệp, ngoài chuyện nhà đất bị đầu cơ “thổi giá”, thủ tục các dự án bất động sản kéo dài, tốn 3-5 năm mới hoàn tất thủ tục, cũng là yếu tố khiến giá nhà tăng mạnh do phải gánh thêm chi phí lãi suất cao.

Thu nhập khó “đua” với giá nhà đất

Vào lập nghiệp tại TP.HCM cách nay 7 năm, vợ chồng anh Trần Anh Quân và một con nhỏ 3 tuổi vẫn đang ở trọ trong một ngôi nhà nhỏ thuê để làm phòng chụp hình cưới tại một con hẻm thuộc Q.Phú Nhuận. Với tổng thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng 28 triệu đồng/tháng, anh Quân thừa nhận chưa biết khi nào mới mua được nhà ở TP.HCM.

“Tôi chỉ mới ra làm riêng gần hai năm nay nên thu nhập tăng so với khi còn đi làm công. Tiết kiệm mấy năm được 200 triệu đồng, nhưng giá nhà quá cao và mỗi năm lại tăng thêm nên chưa biết đến khi nào mới mua được nhà” – anh Quân than.

Mỗi năm TP.HCM tiếp nhận hàng trăm ngàn người nhập cư từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, đa số trong số đó là những người trẻ trong độ tuổi lao động. Nhu cầu về một ngôi nhà đầu tiên là rất cao nhưng với giá nhà đất tăng chóng mặt thời gian qua, giấc mơ sở hữu nhà của những người trẻ càng trở nên xa vời.

Báo cáo thị trường bất động sản quý 3-2019 của Công ty cổ phần DKRA cho thấy trong 5 năm qua, giá nhà đất tại TP.HCM tăng liên tục. Chẳng hạn vào năm 2015, giá căn hộ hạng C vào khoảng 16 triệu đồng/m2, nhưng nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Đất nền còn tăng “khủng khiếp” hơn, giá đất một số khu vực tăng 200-300% so với cách đây 5 năm.

Theo ông Phạm Lâm – tổng giám đốc Công ty cổ phần DKRA, căn hộ dưới 1 tỉ đồng đã là chuyện quá khứ. Một căn hộ 55m2 hiện có giá thấp nhất lên tới 1,4 tỉ đồng, thậm chí còn cao hơn nhiều. “Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu ngày càng xa vời, khi những dự án bất động sản mới có mức giá trên dưới 1,5 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm” – ông Lâm nói.

Phải “liệu cơm gắp mắm”

Theo các chuyên gia tài chính, một người trẻ với thu nhập 15 triệu đồng/tháng nếu mua nhà 1,5 tỉ đồng, trong đó vay ngân hàng 50% (tương đương 750 triệu), sau khi trừ hết gốc và lãi trả góp mua nhà, chỉ còn lại 3,8 triệu đồng/tháng, không sống nổi ở TP.HCM. Chưa kể không phải người trẻ nào cũng có được khoản tiết kiệm ban đầu kha khá để tính đến chuyện mua nhà.

“Nếu đã có một khoản tiết kiệm kha khá và tính đến chuyện mua nhà, trước hết phải chọn căn hộ phù hợp với nhu cầu thực tế và năng lực trả nợ. Chấp nhận đi xa, mua từ căn hộ nhỏ ở phân khúc trung bình rồi sau đó chuyển lên căn hộ cao cấp hơn, ở gần trung tâm hơn, chứ đừng mua vì ham nhà to đẹp ngay mà đổ nợ” – ông Lâm khuyến cáo.

Theo ông Ngô Quang Phúc – tổng giám đốc CP Phú Đông Group, để mua được nhà tại TP.HCM, người trẻ cần phải có chiến lược và tính toán cụ thể, nếu không sẽ rơi vào khủng hoảng nợ vì mua nhà.

Trước hết, phải có tối thiểu 30% giá trị căn nhà tích cóp trước hoặc trợ giúp từ gia đình mà không phải lo trả nợ. Và thu nhập của hai vợ chồng phải gấp đôi số tiền dùng để trả góp khi mua nhà. Chẳng hạn, mỗi tháng trả tiền nhà 10 triệu đồng, thu nhập phải tối thiểu 20 triệu đồng vì còn chi tiêu cho gia đình.

“Chỉ được dùng tối đa 50% thu nhập của mình để trả khoản vay mua nhà mà thôi, không được vượt quá, kẻo sẽ bị quá tải. Quá tỉ lệ trên sẽ rơi vào cảnh nợ nần khủng hoảng, không có đủ tâm trí để làm những việc khác tăng thu nhập được” – ông Phúc khuyến cáo.

Thuê nhà cũng gặp khó

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nhu cầu nhà ở của TP giai đoạn 2016-2020 là 40 triệu m2 sàn và giai đoạn 2021-2025 là 45 triệu m2 sàn. Tính đến tháng 6-2019, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP.HCM đạt 19,9 m2/người, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3 m2/người.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo về vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn.

TRẦN MẠNH
Đánh giá của bạn

Tin liên quan