Thị trường Bình Dương trong 3 năm trở lại đây nóng sốt với hàng chục dự án bất động sản được các đại gia địa ốc rót vốn đầu tư.
Bất động sản Bình Dương đã bùng nổ về nguồn cung căn hộ và đất nền trong 3 năm qua với dòng vốn đầu tư mạnh mẽ của các chủ đầu tư lớn trong và ngoài nước đổ về. Tuy nhiên, thực tế một số chủ đầu tư đã có mặt ở đây từ giai đoạn 2007-2010.
Luôn là một trong top 3 tỉnh thành thu hút FDI lớn nhất cả nước, Bình Dương từ lâu đã được các chủ đầu tư chú ý với vai trò là khu vực trọng điểm của nền kinh tế phía Nam.
BĐS nhà ở đón sóng FDI
Trong 10 năm từ 2010 đến 2020 đã có hơn 10 dự án khu công nghiệp mới đi vào hoạt động, nâng tổng số khu công nghiệp ở Bình Dương lên 30. Nhiều chủ đầu tư đã nhìn thấy nhu cầu nhà ở tiềm năng trong khu vực.
Vào năm 2007, doanh nghiệp tư nhân Hải Long bắt đầu triển khai dự án Sunshine Building ở Dĩ An với 670 căn hộ có mức giá 6 – 7 triệu đồng/m2. Đây được xem là một trong những dự án nhà ở thương mại đầu tiên trong khu vực.
Ngay sau đó, đại gia địa ốc nổi tiếng tại Bình Dương là Becamex bắt tay vào mở bán hai dự án chung cư tại khu vực Thành phố mới vào năm 2009 là TDC Plaza và IJC Aroma, cung cấp cho thị trường khoảng 523 sản phẩm.
Từ năm 2010, thị trường trở nên sôi động hơn với sự nhập cuộc của các nhà đầu tư ngoại như Guocoland (Singapore), Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản), S P Setia Berhad Group (Malaysia), liên doanh VSIP-Sembcorp.
Tính đến 2017, lần lượt chủ đầu tư trong và ngoài nước đã ghi dấu ở Bình Dương với các dự án chung cư có quy mô từ hơn 200 đến 1.200 căn hộ. Riêng chủ đầu tư Nam Long trong năm 2013 đã phát triển dự án Ehome 4 Bắc Sài Gòn với quy mô lên đến 2.579 căn hộ.
Tuy nhiên, thị trường chỉ thực sự bùng nổ trong giai đoạn từ 2018 đến 2020 với khoảng 30 dự án chung cư và 20 dự án đất nền mới.
Cái đại gia trong nước nhập cuộc
Cái tên chủ đầu tư lớn nhất tại thị trường Bình Dương phải kể đến là Tổng công ty Becamex với các công ty con như Becamex TDC, Becamex IJC, Becamex UDJ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng có một số dự án liên doanh với các đối tác đến từ Nhật, Singapore như Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản), Sembcorp (Singapore).
Không đứng ngoài cuộc chơi, Đất Xanh Group đã đầu tư phát triển dự án Opal Boulevard tại TP Dĩ An. Cùng với đó, chủ đầu tư DCT đang đánh dấu vị trí của mình với dự án Charm City, quy mô 5 ha, cung cấp 2047 căn hộ.
Tại Dĩ An, Công ty Phú Đông cũng đầu tư 2 dự án là Him Lam Phú Đông vào năm 2016 và Phú Đông Premier năm 2018 với lợi thế giáp ranh TP.HCM.
Năm 2019, Quốc Cường Gia Lai chính thức tham gia vào thị trường này với dự án C-Skyview quy mô 1.166 căn hộ tại thành phố Thủ Dầu Một.
Song song với việc phát triển khu TTTM và nhà phố thương mại Vincom trong khuôn viên dự án Charm City, Tập đoàn Vingroup đang nghiên cứu đầu tư dự án đô thị Bắc Tân Uyên và Nam Tân Uyên ở huyện Tân Uyên.
Gần đây nhất, Phát Đạt đã bắt tay với Danh Khôi phát triển dự án trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp quy mô 3,73 ha tại TP Thuận An.
Chia sẻ với Zing về xu hướng này, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group đánh giá khi quỹ đất khu vực trung tâm TP.HCM trở nên hạn hẹp, việc ly tâm là điều tất yếu, thúc đẩy các chủ đầu tư tìm đến những thị trường vùng ven. So với các thị trường khác, Bình Dương trở thành một điểm sáng với vị trí tiếp giáp TP.HCM, giao thông kết nối thuận tiện và đặc biệt là thủ đô của các khu công nghiệp tại Việt Nam.
Cùng với đó, quỹ đất Bình Dương còn nhiều, phù hợp để phát triển các dự án quy mô lớn. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã quy hoạch Bình Dương tới tầm nhìn dài hạn, bài bản, tạo ra một thị trường triển vọng lớn để thu hút các chủ đầu tư.
Ngoài ra, với định hướng phát triển kinh tế là trung tâm KCN của cả nước, đây cũng là khu vực thu hút nguồn nhân lực lao động lớn, dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng cao. Chính vì vậy, đối với chủ đầu tư, Bình Dương giải quyết được cả bài toán về đầu vào và đầu ra của các sản phẩm nhà ở.
Tuy nhiên, dù thị trường căn hộ bùng nổ với nguồn cung dồi dào, vẫn còn tồn tại những dự án chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương.
“Không ít dự án bị bỏ trống, không có người ở, qua thời gian không được trùng tu trở nên hoang tàn, xuống cấp. Thực tế những căn hộ này đều đã có chủ, song do thiếu hụt về hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, công viên, siêu thị… khiến người mua không mặn mà để chuyển vào sống vì kém tiện nghi”, ông Ngô Quang Phúc nói thêm.
Trước làn sóng đầu tư của các chủ đầu tư lớn, không ít doanh nghiệp cũng tranh thủ cơ hội để “ăn theo” đầu tư những dự án kém chất lượng và không đủ pháp lý, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính lành mạnh của thị trường chung.
Bình luận về tình trạng trên, ông Phúc cho rằng điều này buộc khách hàng đầu tư vào thị trường Bình Dương phải cân nhắc kỹ lưỡng về tính pháp lý và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, ông cũng cho rằng các doanh nghiệp làm phát triển dự án bất động sản cần phải tuân thủ các thủ tục về pháp luật, phát triển các sản phẩm hướng đến người mua và tạo ra các giá trị tốt cho xã hội.