Những công trình tạo đòn bẩy
Theo kế hoạch, Bến xe miền Đông mới dự kiến chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 1/2019. Đó là khẳng định của lãnh đạo Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), chủ đầu tư Dự án Bến xe miền Đông mới với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản.
Dự án Bến xe miền Đông mới là một quần thể phức hợp, bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích với tổng diện tích trên 16 ha (rộng gấp 3 lần so với Bến xe miền Đông hiện hữu), trong đó diện tích ở TP.HCM là 12,3ha, phần còn lại của tỉnh Bình Dương. Đây là bến xe sẽ thay thế cho Bến xe miền Đông hiện hữu tại quận Bình Thạnh, với mục tiêu trở thành bến xe liên tỉnh phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm, khi đưa vào sử dụng sẽ là một công trình có ý nghĩa đặc biệt trong việc giảm ùn tắc trong khu vực nội đô.
Ngoài Bến xe miền Đông, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) tại ấp Cây Dầu, phường Tân Phú, quận 9 cũng đang hoàn thành những hạn mục cuối cùng để lắp đặt các trang thiết bị, máy móc, huấn luyện đội ngũ quản lý, điều hành… để sẵn sàng đón những bệnh nhân đầu tiên vào quý II/2019.
Theo ông Bỉnh, công trình có tổng mức đầu tư 5.845 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh, được xây dựng trên diện tích 55.594 m2 với tổng diện tích sàn hơn 120.000 m2. Bệnh viện có 10 tầng cao và 2 tầng hầm với các khu điều trị: Khoa khám bệnh và điều trị ngoại trú, Khu điều trị nội trú, Khu kỹ thuật nghiệp vụ, Khu hành chính quản trị, bãi đậu xe và sân đậu trực thăng phục vụ công tác vận chuyển bệnh nhân cấp cứu.
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 là một trong 5 dự án bệnh viện thuộc Đề án Đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.HCM theo một quyết định năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là bệnh viện chuyên khoa có quy mô và tính hiện đại bật nhất hiện nay, có thể so sánh với các bệnh viện hiện đại cùng chuyên ngành trên thế giới. Bệnh viện có thể điều trị nội trú cho 1.000 bệnh nhân nội trú theo chuẩn mực quốc tế và khoảng 6.000 – 7.000 bệnh nhân ngoại trú/ngày.
Theo ông Bỉnh, hơn 300 bác sĩ theo “chuẩn quốc tế” đã được tuyển dụng xong; thời gian qua có một số đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu về dự án. họ đánh giá rất cao và đây thực sự của ngành y tế Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng.
Ngoài các công trình hạ tầng xã hội trên, hiện còn có hàng loạt công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khác đã, đang và sẽ được triển khai tại cửa ngõ phía Đông Thành phố.
TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị nhận định, việc một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng tại các cửa ngõ của Thành phố như Bệnh viện Ung bướu, Bến xe miền Đông mới, Bệnh viện Nhi Thành phố, tuyến metro…, là nền tảng quan trọng để TP.HCM xây dựng, phát triển đô thị vệ tinh, giảm áp lực gia tăng dân số cho các quận trung tâm.
Việc hình thành tuyến metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên, hay Bến xe miền Đông mới sẽ góp phần hình thành các các khu đô thị mới dọc các “trục” này… Ngược lại, khi các dự án xung quanh các trục này phát triển lại tạo sự phát triển cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát huy hiệu quả tốt nhất. Các dự án như Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) được xem là những hạt nhân cho sự khởi đầu đó.
Sức bật từ khu đô thị sáng tạo
So với khu Nam hay khu Tây, lợi thế lớn nhất của khu Đông là nằm ở cửa ngõ của cả miền Đông Nam Bộ, được quy hoạch sau, nhưng có tầm nhìn sâu rộng.
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, một trong những vấn đề của TP.HCM hiện nay là sử dụng tài nguyên đất kém hiệu quả ở nhiều nơi, ách tắc giao thông và ngập nước. Ba đồ án quy hoạch chung của TP.HCM (được phê duyệt các năm 1993, 1998 và 2010) chỉ ra rằng, Thành phố đã sử dụng hết quỹ đất để phát triển đô thị, bắt đầu có mầm mống đầu cơ đất đai. Nguyên nhân của vấn đề này là do thực tế phần lớn các dự án nhà ở, phát triển đô thị được giao trước khi có quy hoạch nên khi Nhà nước làm quy hoạch phải chấp nhận “chuyện đã rồi”.
Chỉ tiêu phát triển dân cư ở những khu vực này sẽ được chuyển cho những khu vực cần thiết, trong đó khu vực cửa ngõ phía Đông bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức, nơi đang có hạ tầng phát triển mạnh dọc tuyến metro 1 là phù hợp.
Tại hội nghị cán bộ TP.HCM quán triệt Kết luận số 21 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có nêu kế hoạch hình thành một khu vực trung tâm làm hạt nhân cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thành phố. Khu đô thị này được hình thành từ sự kết nối giữa quận 9 (có khu công nghệ cao) với quận 2 (có khu đô thị mới, trung tâm tài chính hình thành trong tương lai) và quận Thủ Đức (có 12 trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM với 1.500 tiến sĩ, hơn 70.000 sinh viên), là tiền đề quan trọng cho kế hoạch đầy tham vọng này của Thành phố.
Khu vực này có hạ tầng giao thông phát triển (giáp với trục cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây), nhiều dự án nhà ở liền kề kết hợp với các khu thương mại mua sắm. Điều này tạo ra những ưu thế đặc biệt của khu Đông. Cạnh đó, với mật độ dân cư cao (các quận 2, 9 và Thủ Đức có diện tích 211,73 km2, dân số gần 1 triệu người), đang trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM.
Tiềm năng của khu này còn là nơi đón đầu các ngành dịch vụ cao cấp (tài chính – tín dụng) với trục tâm điểm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, các khu công nghiệp công nghệ cao (với hai khu chế xuất là Linh Xuân, Linh Trung và Khu công nghệ cao), Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc và đô thị đại học, khởi nghiệp sáng tạo (hạt nhân là Đại học Quốc gia TP.HCM). Khu vui chơi giải trí Suối Tiên, điểm cuối của tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên tại phường Tân Phú (quận 9)…, tất cả tạo nên những điều kiện, nền tảng quan trọng cho sự phát triển đồng bộ trong tương lai gần.
PGS-TS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, đô thị sáng tạo có chung đặc điểm, đó là sự tập trung của con người, của chất xám, của nghiên cứu, của đổi mới sáng tạo… được hỗ trợ bằng các nền tảng cơ sở hạ tầng thuận lợi, thân thiện. Quan trọng hơn, khu đô thị sáng tạo còn là nơi thực hiện những mô hình thử nghiệm tham gia quyết định các chính sách tại các quận – huyện trên địa bàn Thành phố, vốn trước nay nặng về thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, thay vì được trực tiếp đóng góp ý kiến.
Với đặc trưng kết nối người dân, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục và cơ quan nhà nước, một không gian đô thị sống động cho các hoạt động sinh sống, học tập, làm việc và hưởng thụ cuộc sống được định hình. Qua đó, sẽ mang lại động lực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp; đồng thời, khích lệ các nhà khoa học và cán bộ quản lý nhà nước lắng nghe những phản hồi từ phía người dân và doanh nghiệp.
Theo Tăng Triển