Thỏi nam châm hút dự án
Thực tế thị trường bất động sản cho thấy, ở những phân khu có ưu thế về hạ tầng giao thông kết nối và có những tiện ích như khu vui chơi giải trí, trường học…. luôn được các doanh nghiệp địa ốc lựa chọn để phát triển dự án bất động sản. Chính điều này đã làm nên sự sôi động của thị trường bất động sản khu Nam, rồi tới khu Đông TP.HCM. Tuy nhiên, đối với khu Đông, thị trường từ năm 2015 bắt đầu phân hóa khi khu vực này tách riêng thành hai phân khu Bắc và Nam.
Với phân khu Bắc, thị trường có nhiều lợi thế khi có các trục đường giao thông chính thực hiện nhiệm vụ kết nối vùng như tuyến Quốc lộ 1K nối TP.HCM – Bình Dương với TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đi các tỉnh Đông Nam Bộ. Tuyến Quốc lộ 13 nối TP.HCM vào thẳng trung tâm tỉnh Bình Dương và là trục đường liên kết kinh tế Vùng TP.HCM với Tây Nguyên…
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên Khoa Kinh tế xây dựng, Trường đại học Giao thông – Vận tải TP.HCM cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch liên kết Vùng TP.HCM mở rộng năm 2030 tầm nhìn 2050 đã cho phân khu Bắc khu Đông một vị thế khá lớn, đó là phát triển liên kết kinh tế với khu vực Tây Nguyên. Trong đó, giao thông là cốt lõi của phát triển, nên hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã, đang và sẽ được xây dựng, như cao tốc TP.HCM – Bình Dương – Bình Phước, Quốc lộ 13 nối TP.HCM đi khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ…
“Đặc biệt, việc TP.HCM đưa tuyến đường Phạm Văn Đồng nối Sân bay Tân Sơn Nhất với khu Đông và đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai vào hoạt động đã tạo bàn đạp để kinh tế khu vực này phát triển”, ông Hùng nói.
Thực tế, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngay khi tuyến đường Phạm Văn Đồng được đưa vào khai thác, đã có hàng loạt dự án bất động sản mọc lên dọc theo tuyến đường huyết mạch này.
Chẳng hạn, Khang Gia Land cùng đối tác là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã xây dựng Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Khang Gia Shopping Mall trên diện tích 18.000 m2 với 4 tầng hầm và 7 tầng nổi. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, tọa lạc ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, nằm ngay chân cầu vượt Quốc lộ 13. Hiện dự án đang tiến hành xây tới tầng 3 nổi.
Trước đó, năm 2016, Tập đoàn Đại Phúc đã cho ra mắt Dự án Vạn Phúc City rộng gần 200 ha, với tổng mức vốn đầu tư 2 tỷ USD. Dự án được thiết kế với 60% diện tích dành cho công trình cảnh quan nước và cây xanh, cùng công viên giải trí tầm cỡ quốc tế Ocean World Ho Chi Minh tại hồ Đại Nhật rộng 21 ha giữa trung tâm, kết hợp công viên ven sông The Long Park dài 3,4 km và kênh Sông Trăng dài 2 km… 40% diện tích đất còn lại dành cho xây dựng nhà phố thương mại, biệt thự, chung cư cao cấp. Hiện chủ đầu tư dự án đã hoàn thành việc phát triển giai đoạn 1 khu nhà phố thương mại và người dân đã về ở. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng tiến hành phát triển tiếp các giai đoạn còn lại của dự án.
Không chỉ vậy, từ đầu năm 2018 tới nay, khu vực này tiếp tục hút dòng vốn mạnh của các doanh nghiệp địa ốc để phát triển các dự án bất động sản. Đơn cử, tháng 5/2018, Thủ Đức House đã phát triển Dự án River View cao 16 tầng, trên diện tích khu đất 3.754 m2 tại quận Thủ Đức với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Phú Đông Group phát triển Dự án Phú Đông Premier (tỉnh Bình Dương) với 2 bolck cao 35 tầng, gồm hơn 600 căn hộ, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, quanh khu vực đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức còn có hàng loạt dự án khác của Tập đoàn Đất Xanh đang và đã xây dựng.
Nhận diện sức hút
Giới phân tích cho rằng, sở dĩ phân khu Bắc của khu Đông đang có sức hút lớn với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản và người mua nhà là bởi phân khu này sở hữu một tiềm năng mà cả TP.HCM không nơi đâu có được khi có đầy đủ hệ thống đường giao thông là “bộ, không, sông, sắt”.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, ở khu vực này, điểm cốt lõi mà các chủ đầu tư nhìn thấy đó là nó hội tụ đầy đủ các phương tiện giao thông như sân bay (Tân Sơn Nhất), đường bộ kết nối là tuyến đường Phạn Văn Đồng với 12 làn xe, Bến xe miền Đông, đường thủy là sông Sài Gòn bao quanh, đường sắt có ga Bình Lợi.
“Quan trọng nhất là giáo dục, vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm đều đã xuất hiện ngày càng nhiều tại đây như khu trung tâm mua sắm Aeomall, khu làng đại học TP.HCM với các trường như Đại học Bách Khoa, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học tin học quốc tế…, đều nằm ngay sát tuyến đường Phạm Văn Đồng. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng đang nhòm ngó vào các dự án khu vực này như khu dự án dân cư Đại học Quốc gia rộng hơn 150 ha…”, bà Hương nói.
Đồng quan điểm, các chuyên gia cho rằng, phân khu này còn có một điểm mạnh nữa hút nhà đầu tư, cũng như người dân về sinh sống, là giá đất tại đây đang rẻ hơn so với mặt bằng chung của toàn Thành phố. Bên cạnh đó, các dự án bất động sản đều nằm ở phân khúc tầm trung, giá dao động từ 1,5 – 2 tỷ đồng/căn hộ…
“Tuy giá thấp, nhưng biên độ sinh lời ở các dự án này không hề thấp. Đơn cử, ở Dự án Him Lam Phú Đông mở bán cuối năm 2016, bàn giao nhà cuối năm 2017, giá lúc đầu là 1 tỷ đồng/căn hộ chung cư, nay đã lên khoảng 1,6 tỷ đồng/căn hộ chung cư. Còn đất nền ở dự án này đã tăng gấp đôi”, ông Trần Tuấn, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Đông Sài Gòn cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc HungThinh Land, ở khu vực này có một điểm “vàng” mà các doanh nghiệp địa ốc nhìn thấy ngoài hạ tầng giao thông và liên kết vùng, đó là khu vực này nằm cạnh các khu du lịch khá nổi tiếng như Văn Miếu Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai, Khu du lịch sinh thái Làng Bưởi Tân Triều, tỉnh Đồng Nai…
“Ở góc độ nhà đầu tư bất động sản, ngoài yếu tố sinh lời, thì yếu tố hút khách hàng chính là yếu tố sinh thái. Mà khu vực Bắc khu Đông TP.HCM có đầy đủ điều kiện này. Ngoài ra, ở đây, quỹ đất vẫn còn rất nhiều để các doanh nghiệp phát triển dự án. Điểm lợi nữa đó là huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương nằm sát TP.HCM, đây là khu vực có quỹ đất nhiều, giá hợp lý, doanh nghiệp thỏa sức đầu tư dự án”, ông Hiền nói.